Nghiên cứu ban đầu Hiệu ứng chân lý ảo tưởng

Năm 1977, hiệu ứng này lần đầu tiên được đặt tên và định nghĩa, dựa trên kết quả của một thí nghiệm yêu cầu các đối tượng đánh giá tính xác thực của một số mẩu thông tin nhỏ tại Đại học VillanovaĐại học Temple.[3][5]

Các nhà nghiên cứu Lynn Hasher, David Goldstein và Thomas Toppino cho một nhóm sinh viên đại học xem lần lượt ba danh sách, mỗi danh sách gồm sáu mươi mệnh đề đúng hoặc sai, nhưng đều trông khá hợp lý. Lần lượt hai và bốn tuần sau danh sách đầu, nhóm thí nghiệm tiếp tục đưa danh sách thứ hai và thứ ba. Có hai mươi mệnh đề xuất hiện trong cả ba danh sách, còn những mệnh đề khác chỉ được liệt kê một lần duy nhất. Những người tham gia có nhiệm vụ đánh giá mức độ tin tưởng vào tính xác thực của các mệnh đề trên thang điểm từ 1 đến 7. Nội dung của những mệnh đề này là những chủ đề mà các đối tượng gần như không có hiểu biết gì, như "Căn cứ không quân đầu tiên được thành lập ở New Mexico" hoặc "Bóng rổ trở thành một bộ môn thi đấu chính thức tại Thế vận hội vào năm 1925". Kết quả cho thấy mức độ tin tưởng của họ vào những mệnh đề không lặp lại sẽ không đổi, nhưng lại tăng dần từ 4,2 đến 4,6 rồi 4,7 với những mệnh đề lặp lại. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc lặp lại một tuyên bố sẽ khiến nó có vẻ thật hơn.[2]

Năm 1989, Hal R. Arkes, Catherine Hackett và Larry Boehm tái hiện nghiên cứu gốc; kết quả của thí nghiệm này cũng tương tự thí nghiệm trước: tiếp xúc với thông tin sai lệch sẽ khiến mức độ xác thực và lý tính chủ quan của thông tin đó thay đổi.[6]

Hiệu ứng này có tác dụng vì khi mọi người đánh giá tính xác thực, họ sẽ dựa vào sự tương đồng với hiểu biết từ trước, hoặc mức độ quen thuộc của thông tin đó. Đối với điều kiện đầu, họ sẽ đánh giá theo logic bằng cách so sánh thông tin mới với sự thật đã biết, rồi xem xét độ tin cậy của cả hai. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra rằng sự quen thuộc có ảnh hưởng mạnh hơn tính hợp lý nhiều đến mức việc nghe lặp đi lặp lại rằng một sự thật nào đó là sai có thể gây ra một tác động nghịch lý.[1]